GIAI ĐOẠN ĂN DẶM ĐẦU TIÊN CỦA BÉ.
Ngày:19/03/2019 lúc 15:52PM
GIAI ĐOẠN ĂN DẶM ĐẦU TIÊN CỦA BÉ
Ăn dặm là một bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển của bé. Đây là một bước chuyển lớn từ bú mẹ hoặc sữa ngoài (chế độ ăn dạng lỏng) sang “nhai nát & nuốt” với chế độ ăn dạng sệt, lợn cợn & cuối cùng là dạng miếng.
Ăn dặm giúp bé:
- Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết
- Làm quen với các loại thực phẩm khác nhau, kích thích vị giác
- Giúp hình thành thói quen, kĩ năng ăn uống & khẩu vị của bé sau này.
Bé sẵn sàng ăn dặm khi:
6 tháng tuổi là thời điểm lý tưởng nhất để mẹ bắt đầu cho bé ăn dặm.
Tuy nhiên, nếu mẹ thấy bé đồng thời có các dấu hiệu dưới đây (quan sát từ 5-7 ngày) thì có thể cho bé ăn dặm sớm hơn. Nhưng tối thiểu cũng nên là 5 tháng.
- Bé hứng thú với bữa ăn của người lớn: há miệng, chép chép miệng, với tay lấy đồ ăn, muốn ăn …
- Bé có thể ngồi được nếu mẹ đỡ. Đầu & cổ có thể giữ thẳng.
- Bé nhanh đói. Đòi ăn sớm trước cữ bú sữa.
- Phản xạ bú giảm đi. Tức khi mẹ cho muỗng vô miệng mà bé ít dùng lưỡi để mút như bú bình. Đồng thời, bé sẵn sàng mở miệng chứ không đẩy muỗng ra.
Bắt đầu ăn dặm sai thời điểm:
- Bé ăn dặm quá sớm trước 5 tháng:
+ Bé dễ bị rối loạn tiêu hóa: đầy bụng, đi ngoài phân sống, đau bụng… dẫn đến suy dinh dưỡng.
+ Thiếu một số vi chất quan trọng do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện đầy đủ.
+ Có thể gây sặc, nghẹn hay nôn ói do cơ hàm, lưỡi, hầu, họng của bé chưa được nhuần nhuyễn.
- Bé ăn dặm quá trễ sau 7 tháng:
+ Giảm tốc độ tăng trưởng của bé.
+ Thiếu chất, có thể dẫn dến suy dinh dưỡng.
+ Bé khó làm quen & thích ứng với thức ăn khác ngoài sữa -> biếng ăn dặm.
03 phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay:
1. Phương pháp ăn dặm truyền thống
- Ăn đút muỗng
- Ăn bột. Sau đó nấu chung với các thực phẩm khác: rau, củ, thịt, cá, …xay nhuyễn
2. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
- Ăn đút muỗng.
- Ăn cháo loãng nấu từ gạo. Các thực phẩm khác: rau, củ, thịt, cá, … được chế biến riêng với độ thô phù hợp. Không trộn nấu chung như phương pháp ăn dặm truyền thống.
3. Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy.
- Bé tự lựa chọn & tự đưa thức ăn vô miệng bằng tay.
- Thức ăn được chế biến với hình dạng dễ cầm nắm, không xay nhuyễn.
Shop sẽ có bài viết chi tiết phân tích cho các mẹ về từng phương pháp ăn dặm nói trên. Ở bài viết này, Shop chỉ nêu ra để giúp các mẹ lựa chọn những sản phẩm ăn dặm phù hợp cho từng phương pháp. Đặc biệt là 02 phương pháp ăn dặm truyền thống & ăn dặm kiểu Nhật. Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy Shop sẽ có bài viết riêng sau.
05 nguyên tắc cần nhớ
1. Cho bé ăn từ nhạt -> ngọt -> mặn.
Bắt đầu với các loại bột/ cháo đơn chất có vị nhạt. Sau đó kết hợp với các loại rau, củ,trái cây, thịt, cá…
Các loại gia vị, hạt nêm được khuyến khích sử dụng cho bé trên 1 tuổi. Mẹ có thể lựa chọn các sản phẩm tách muối, giảm muối hoặc nước dùng Daishi để tạo vị đậm cho món ăn của bé.
2. Cho bé ăn từ loãng đến đặc
Tùy theo khả năng ăn thô & tiêu hóa của bé, các mẹ điều chỉnh độ loãng/ đặc của món ăn cho phù hợp.
3. Cho bé ăn từ ít đến nhiều
Nên cho bé ăn theo mức độ tăng dần đều đối với mỗi bữa ăn & mối món ăn mới để giúp hệ tiêu hóa của bé dần làm quen với lượng & loại thức ăn đó. Không cho bé ăn quá nhiều nhất là những bữa ăn đầu tiên ngay cả khi bé vẫn còn ngon miệng & muốn ăn thêm.
4. Cho bé làm quen với một loại thực phẩm từ 3-5 ngày.
Nguyên tắc này nên được áp dụng khi mẹ giới thiệu món ăn mới cho bé trong những tháng đầu tiên mới bắt đầu ăn dặm, để:
- Giúp mẹ phát hiện vấn đề dị ứng của bé nếu có.
- Giúp hệ tiêu hóa thích nghi, hấp thu & tiêu hóa tốt các loại thức ăn.
- Thay đổi món ăn để giúp bé không nhàm chán dẫn đến biếng ăn .
5. Cân đối các nhóm thực phẩm.
04 nhóm thực phẩm: Bột đường – Đạm – Béo – Vitamin & khoảng chất
Sau giai đoạn ăn dặm đầu tiên, mẹ có thể cân đối để bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm trong bữa ăn của bé.
Dưới đây, Shop giới thiệu đến các mẹ các nhóm sản phẩm chính cho bữa chính & bữa phụ của bé trong giai đoạn ăn dặm từ 5 – 6 tháng tuổi
1. Bột ăn dặm: với các loại bột đơn chất như gạo, yến mạch phù hợp cho bé mới bắt đầu ăn dặm.
2. Gạo/Mì/ Ngũ cốc.
- Nếu mẹ chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, thì gạo để nấu cháo là một nguyên liệu không thể thiếu.
- Mì cũng là một thực phẩm bổ sung tinh bột mà mẹ có thể sử dụng để đổi món cho bé thay cho các bữa ăn bột/ cháo thông thường.
3. Bột súp/ Rau củ.
- Bổ sung nguồn dinh dưỡng đa dạng đặc biệt là vitamin & khoáng chất
- Thay đổi món ăn giúp bé không bị nhàm chán dẫn đến biếng ăn.
4. Gia vị/ Nguyên liệu.
Sau 2-3 tuần ăn dặm đầu tiên, mẹ có thể kết hợp thêm nước dùng Daishi hoặc nước tương tách muối để tăng hương vị cho món ăn.
5. Thực phẩm ăn liền.
- Trong giai đoạn ăn dặm đầu tiên, thực phẩm ăn liền chỉ được khuyến khích sử dụng sau khi bé đã ăn dặm từ 2-3 tuần.
- Nhóm sản phẩm 4 & 5 không được khuyến khích sử dụng ngay những ngày đầu bé ăn dặm vì có thể khiến cho khẩu vị của bé được “nuông chiều” dẫn đến kén ăn, biếng ăn sau này.
Tham khảo: Sách Ăn dặm kiểu nhật - NXB Lao động Xã hội